VinMart “giải cứu tôm hùm”: Tuyên bố bán hàng không lợi nhuận
Theo thông tin từ VinMart, đây là chương trình bán hàng không lợi nhuận nhằm hỗ trợ những nông dân nuôi tôm hùm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Corona.
Bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do chủng mới Corona (Covid-19) gây ra, người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa điêu đứng vì tôm hùm xanh bị đối tác Trung Quốc từ chối nhập khẩu. Thông thường, giá tôm hùm xanh ở mức 800.000 – 1 triệu đồng/kg, trong khi tôm hùm bông có giá khoảng 1,4-17 triệu đồng/kg. Do xuất khẩu chậm, các thương lái giảm mua, người nuôi trồng càng để lâu thì càng lỗ. Đã có chiến dịch giải cứu tôm hùm, từ các shop bán hàng online đến các cửa hàng thực phẩm. Vinmart cũng là một trong các siêu thị hiện nay tham gia bán hàng tôm hùm không lợi nhuận để hỗ trợ giải cứu cho các hộ nuôi ở Cam Ranh – Khánh Hòa.
Chính sách bán hàng không lợi nhuận của Vinmart
Theo đại diện của Vinmart, chỉ sau 2 ngày bán hàng không lợi nhuận, hệ thống siêu thị này đã bán được 750kg tôm hùm đông lạnh và tôm hùm tươi. Vinmart hỗ trợ tiêu thụ tôm hùm cho đến khi hộ sản xuất hết hàng hoặc không cần hỗ trợ nữa, trước mắt các hộ sản xuất cam kết sẽ không tăng giá size 3-4 con/kg đến hết ngày 23/2.
Tại Việt Nam, từ trước tới nay tôm hùm luôn được coi là sản phẩm cao cấp với giá thành đắt đỏ, được liệt vào nhóm thực phẩm "xa xỉ". Hiện giá tôm hùm đang khá rẻ bởi ảnh hưởng của dịch Corona, việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc gặp ảnh hưởng. Nhiều người cho rằng mức giá "mềm" cho mặt hàng hải sản khá "cao cấp" như tôm hùm ở thời điểm này vô hình trung lại phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng trong nước.
Trước VinMart, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển cũng kết hợp với VNPay tổ chức chiến dịch "giải cứu tôm hùm", đến tận nơi thu mua tôm với giá cao hơn thương lái sau đó mới bán tại chuỗi bán lẻ. Trong vòng chưa đầy 3 ngày từ ngày 5 đến ngày 8/2, chiến dịch đã đã "giải cứu" được gần 1 tấn tôm, đem lại niềm vui lớn cho bà con ngư dân.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cách đây không lâu, Việt Nam có độ mở của nền Kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Corona. Trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% trong năm nay, giảm 0,55% so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Nếu dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96% giảm 0,84% so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29% so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I.
Nguồn: Tổng hợp